Friday, May 27, 2011

TƯƠNG LAI NÀO CHO DÂN TỘC VIỆT?

Quan Điểm
Chủ nhật, ngày 15 tháng 5 năm 2011
 
Ngày Chủ nhật 15/5 hôm nay là ngày tưởng niệm 66 năm chấm dứt trận đệ nhị thế chiến. Cả nhân loại đã reo hò mừng rỡ khi nghe tin đó. Dân tộc Việt Nam cũng nhờ đó mà giành được độc lập. Thế nhưng niềm vui của nhân loại không kéo dài bao lâu, vì ngay sau đó, một cuộc chiến mới đã khai diễn giữa 2 phe: tư bản và cộng sản.

Điều bất hạnh là Việt Nam lại là một nơi bị chọn để diễn ra cuộc thư hùng một mất một còn của hai khối. 9 năm kháng chiến chống Pháp rồi 21 năm nội chiến Nam – Bắc đã gây ra nhiều hệ lụy bi thảm cho đất nước và dân tộc.
66 năm đã trôi qua, các bí ẩn lịch sử dần dần được phơi bày, nhưng vẫn chưa trả được câu hỏi nhức nhối là nếu như ngày đó chính quyền Việt Minh chấp nhận điều kiện được độc lập nhưng nằm trong khối Liên hiệp Pháp thì điều gì sẽ xảy ra? Tại sao dân tộc Việt phải hy sinh hàng trăm ngàn người trong suốt 9 năm trời để giành độc lập trong khi những thuộc địa khác của Pháp không hề tốn chút máu xương nào mà vẫn có được nền độc lập những năm sau đó?
Có lẽ những câu trả lời cho các câu hỏi đó đã không còn cần thiết nữa vì đất nước VN đang trực diện với những hiểm họa còn to lớn hơn cả thời thực dân Pháp. Ngoài hiểm họa lớn nhất là nguy cơ bị Trung Quốc thôn tính thì các vấn nạn xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn. Tham nhũng tràn lan ở mọi nơi. Hố chênh lệch giàu nghèo mỗi lúc một rộng thêm. Đời sống nông dân và công nhân ngày càng thêm bi đát. Đạo đức và giáo dục suy đồi quá mức. Công an cảnh sát đang trở thành những hung thần trong đời sống hằng ngày.
Sau 30 năm xây dựng mà mọi thành quả đều được xưng tụng là "hiện đại nhất" hay "vĩ đại nhất", nhưng trong phiên họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Á châu tại Hà Nội, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại khẩn khoản xin định chế này đừng liệt VN vào các nước có lợi tức trung bình vì thực tế VN vẫn "còn nghèo".
Với hàng chục tỷ Mỹ kim viện trợ và hàng chục tỷ Mỹ kim đi vay mượn suốt 20 năm qua mà VN vẫn còn nằm trong dạng nghèo, như ông Dũng đã trình bày, thì biết đến bao giờ VN mới có thể đuổi kịp được các nước láng giềng?
Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng, và rất nhiều người trong tập đoàn cầm quyền hiện nay, đều lầm tưởng rằng họ có thể lừa gạt được thế giới qua những lời than vãn đó. Ngân hàng Phát triển Á châu và nhiều định chế tài chánh khác đều biết rõ khoản tiền mà người Việt hải ngoại gửi về trong nước còn cao hơn cả số tiền viện trợ và cho vay để phát triển của thế giới. Chỉ cần làm một phép tính nhỏ, người ta sẽ thấy ngay là để gửi về trong nước mỗi năm khoảng 10 tỷ Mỹ kim, tổng lợi tức hằng năm của người Việt hải ngoại phải lên đến cả trăm tỷ Mỹ kim.
Đó là một tiềm lực mà nếu biết tận dụng thì dân tộc VN có thể tự lực tự cường mà không cần ngửa tay xin xỏ một ai cả. Cộng với lực lượng hàng trăm ngàn chuyên gia cao cấp và trung cấp được đào tạo và làm việc trên khắp thế giới, đất nước Việt Nam có thể chắp cánh bay cao trong tương lai không xa.
Thế nhưng, dù yêu mến đất nước đến đâu chăng nữa, người ta cũng khó có thể cộng tác với một nhà nước luôn luôn khẳng định quyền cai trị độc tôn của mình, và hành xử luật pháp theo kiểu luật rừng, nếu không muốn nói là "ngồi xổm" trên chính hiến pháp do họ soạn thảo ra.
Chính vì thế, chỉ khi nào VN thật sự có được dân chủ và tự do, cộng với một hệ thống pháp luật nghiêm minh, thì viễn ảnh thoát khỏi vũng lầy suy thoái hiện nay may ra mới trở thành hiện thực!

No comments:

Post a Comment